PHÚC NINH NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO ĐÍCH ĐẾN KHÔNG CÒN XA

Là một trong những xã được huyện Yên Sơn chọn để xây dựng về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao trong năm 2023, Phúc Ninh tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thành các tiêu chí, quyết tâm về đích đúng lộ trình.
 

Thường trực Huyện ủy Yên Sơn làm việc với xã Phúc Ninh về tiến độ xây dựng NTM

Trở lại Phúc Ninh hôm nay, chúng tôi thấy rõ sự “thay da đổi thịt” của xã nông thôn mới. Đường thôn, ngõ, xóm rộng thoáng, sáng, xanh, sạch, đẹp; nhà cửa được xây dựng kiên cố, khang trang, đặc biệt là sự đồng lòng chung sức của người dân trong xây dựng quê hương giúp địa phương tự tin thực hiện đạt các tiêu chí NTM nâng cao. 

Ông Vũ Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết: Địa phương xác định trong năm 2023 sẽ xây dựng thành công xã NTM nâng cao để tạo tiền đề xây dựng xã NTM kiểu mẫu; đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của cả hệ thống chính trị. Do đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách của Nhà nước, lấy nhân dân làm chủ thể, kết hợp với huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài xã cùng tham gia xây dựng NTM nâng cao, chú trọng thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn. Đáng mừng là đến nay bưởi Soi Hà Phúc Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và có chỉ dẫn địa lý (Trong đó tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là UBND huyện Yên Sơn; khu vực địa lý của sản phẩm bao gồm các xã: Phúc Ninh, Xuân Vân, Chiêu Yên, Lực Hành, Tứ Quận, Trung Trực, Quý Quân, Tân Long, Kiến Thiết, Tân Tiến, Lang Quán và thị trấn Yên Sơn), Cam đường Phúc Ninh cũng đã được công nhận sản phẩm Ocop chất lượng 3 sao đã được thị trường biết đến góp phần nâng cao thu nhập của người dân đồng thời thúc đẩy sản xuất của địa phương phát triển.

Đồng hành của chính quyền xã Phúc Ninh, còn có sự hoạt động hiệu quả của các Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, đang giúp các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn xã phát triển ổn định, liên tục mở rộng cả về quy mô và giá trị. Sau thành công của Hợp tác xã trái cây hữu cơ, năm 2021, Phúc Ninh thành lập một tổ hợp tác sản xuất bưởi VietGAP, với 10 thành viên, diện tích trên 15 ha. Tổ trưởng tổ hợp tác Nguyễn Tiến Hoàn cho biết, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ là tiền đề để chuyển đổi sang tiêu chuẩn hữu cơ. Đến nay nhiều vùng trồng cây ăn quả của xã đang phát triển theo hướng liên kết, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc liên kết trong chuỗi giá trị giúp các hộ trồng cây có thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao. Không chỉ phát triển HTX, tổ hợp tác, Phúc Ninh còn khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp khác. Theo thống kê của UBND xã Phúc Ninh, hiện xã có trên 30 xưởng chế biến tinh bột đang hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao cho nhiều hộ nông dân, đồng thời giải quyết được lượng lớn lao động trong lúc nông nhàn. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ vào sản xuất, khuyến khích các ngành nghề phát triển, đến nay số hộ có thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng ở Phúc Ninh lên tới hơn 300 hộ; Đến nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dự kiến là 13%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/người/năm.

Ông Tô Văn Vinh, xã Phúc Ninh phấn khởi cho biết vườn nhà ông trồng cam và bưởi, với khoảng 1ha bưởi, chủ yếu là bưởi Soi Hà và bưởi Diễn. Năm nay, do thời tiết thuận lợi và sự chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, vườn nhà ông thu hoạch được khoảng 13.000 quả. Sau khi thu hoạch, bưởi nhà ông được các thương lái đến tận nhà thu mua với giá từ 10.000-20.000/1 quả, bán cả vườn ông thu về được 120 triệu đồng, bưởi Soi Hà Phúc Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và có chỉ dẫn địa lý người dân chúng tôi rất mừng, bưởi được đưa lên sàn thương mại điện tử nên cơ hội tiêu thụ rộng mở hơn. Trong khi nhiều xã còn đang “loay hoay” với việc thực hiện chỉ tiêu khó 13.2 – (xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững), thì Phúc Ninh đã hoàn thành. Bên cạnh đó, HTX Trái cây hữu cơ Phúc Ninh.còn chủ động liên kết với một số công ty tiêu thụ trên bưởi với giá cao cho nông dân, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con.

Đến nay, xã Phúc Ninh đã đạt 11/19 tiêu chí, xã NTM nâng cao. Hầu hết các tiêu chí về cơ sở hạ tầng xã đã nỗ lực thực hiện đồng bộ đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng quê thuần nông này. 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh; hầu hết các tuyến đường đều có điện thắp sáng giúp người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng, nhất là về đêm. Tuy nhiên, hiện nay Phúc Ninh còn tiêu chí số 14 về y tế, tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống, một số chỉ tiêu của tiêu chí số 13 chưa đạt. Trong đó, thách thức lớn nhất là chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia, sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40% trở lên và chỉ tiêu tỷ lệ dân số có sổ sức khỏe điện tử phải đạt từ 90% trở lên. 

Ông Nguyễn Tiến Hà, phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh chia sẻ: Do Trạm Y tế xã thiếu nhân lực nên việc cập nhật dữ liệu của người dân chủ yếu vào sổ sách chứ chưa thực hiện trên máy. Hiện nay, với sự hỗ trợ của xã về nhân lực, công nghệ, người dân nào đến khám bệnh đều có cán bộ chuyên môn cài đặt hộ, hướng dẫn cách sử dụng sổ sức khỏe điện tử. Những người không đến Trạm Y tế khám bệnh mà chưa cài đặt xã đã thành lập tổ công tác đến tận nhà cài đặt và hướng dẫn sử dụng. Trạm cũng bố trí người để nhập dữ liệu khám bệnh vào máy tính thay vì sổ sách.

Ngoài ra, xã Phúc Ninh tận dụng nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ từ tỉnh, huyện cùng nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng đầu tư cho các hộ có nhu cầu phát triển kinh tế, nhất là hộ nghèo, cận nghèo; phối hợp mở các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Thời gian qua, nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân huyện Yên Sơn là kênh tín dụng hiệu quả của nhiều hội viên tại địa phương. Quỹ đã kịp thời hỗ trợ, giúp các hội viên nông dân thiếu vốn sản xuất vay được vốn để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo và làm giàu bền vững. Dự án “Chăn nuôi dê sinh sản” tại xã Phúc Ninh với số tiền giải ngân là 500 triệu đồng cho 10 hộ hội viên. Mỗi hộ được vay 50 triệu đồng, lãi suất 0,7% tháng, thời gian thực hiện 36 tháng. Tại buổi giải ngân, các hộ vay vốn cam kết sẽ sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả để phát triển kinh tế; gia đình anh Nguyễn Văn Hưng, ở thôn Cô Ba, xã Phúc Ninh đã được vay vốn 50 triệu đồng thực hiện Dự án “Chăn nuôi dê sinh sản”. Từ nguồn vốn được vay, gia đình anh có thêm nguồn lực để đầu tư mở rộng chuồng trại, con giống để phát triển mô hình chăn nuôi của mình, góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình.

Anh Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: Dê là loại gia súc dễ nuôi, ít dịch bệnh, có thể tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương để làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi, khả năng tăng đàn nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi. Do vậy khi được vay nguồn vốn này, gia đình sẽ tăng đàn Dê lên, không chăn nuôi nhỏ lẻ như trước nữa để tăng thu nhập và hướng tới xây dựng thương hiệu Dê Phúc Ninh.

 Dù vẫn còn có những khó khăn song xây dựng NTM nâng cao thật sự mang đến cho làng quê Phúc Ninh nhiều đổi thay, đặc biệt là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đều được nâng cao. Đó là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, sự chung sức đồng lòng của nhân dân địa phương. Với những bước đi, cách làm sáng tạo đó, Phúc Ninh chắc chắn sẽ về đích NTM nâng cao trong năm nay./.  

https://nongthonmoituyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục